Những lưu ý khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền

Những lưu ý khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền

(Luật Tiền Phong) – Với kinh nghiệm đã thực hiện thành công cho rất nhiều khách hàng thực hiện thủ tục xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền, trong bài viết lần này chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những lưu ý khi thực hiện thủ tục này trên thực tế để các bạn có thể cùng nắm được nếu các bạn tự thực hiện, mời các bạn đón đọc.

Những lưu ý khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền
Những lưu ý khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền

1. Những lưu ý về điều kiện khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền

Hoạt động của phòng chẩn trị y học cổ truyền là một trong những những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, vì vậy để xin được giấy phép hoạt động phòng chẩn trị y học cổ truyền các bạn cần đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm:

  • Điều kiện về tư cách chủ thể;
  • Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị;
  • Điều kiện về phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Điều kiện về nhân sự (đây là điều kiện quan trọng nhất).

Cụ thể như sau:

– Thứ nhất, điều kiện về tư cách chủ thể:

  • Trước hết tùy thuộc vào quy mô kinh doanh của phòng chẩn trị y học cổ truyền mà bạn phải thực hiện thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập công ty trong đó có ngành nghề kinh doanh là hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa (mã ngành nghề 8620).
  • Nếu quy mô vừa và nhỏ, các bạn chỉ nên thành lập hộ kinh doanh cá thể để được đơn giản hóa về mặt thủ tục cũng như giảm bớt những khoản thuế mà các bạn phải đóng (các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để có được những thông tin chi tiết về thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể).
  • Nếu với quy mô lớn hơn, các bạn nên thành lập doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc phát triển cũng như tìm kiếm đối tác sau này (đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi).

– Thứ hai, điều kiện về cơ sở vật chất:

  • Phải có địa điểm cố định, để chứng minh về địa điểm cố định các bạn phải có bộ hồ sơ cụ thể như sau: Trường hợp là địa điểm thuộc quyền sử dụng của mình phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh, nếu trường hợp thuê hoặc mượn địa điểm thì phải có Hợp đồng thuê/ mượn địa điểm với chủ sử dụng đất hợp pháp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;
  • Có thùng rác y tế đạt chuẩn theo quy định của pháp luật;
  • Riêng đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền vì trong những phạm vi hoạt độngu chuyên môn không có hoạt động nào cần sử dụng đến nước, không xả nước thải ra bên ngoài môi trường vậy nên không cần phải có hệ thống xử lý nước thải.

– Thứ ba, điều kiện về trang thiết bị y tế:

  • Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;
  • Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

– Thứ tư, điều kiện về phạm vi hoạt động chuyên môn:

Đối với phòng chẩn trị y học cổ truyền bạn chỉ được phép đăng ký hoạt động một trong những phạm vi chuyên môn sau đây:

  • Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (dùng thuốc và không dùng thuốc);
  • Được sử dụng các thành phẩm thuốc y học cổ truyền do các cơ sở khác sản xuất đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành để phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh;
  • Bào chế thuốc sống thành thuốc chín (thuốc phiến), cân thuốc thang cho người bệnh;
  • Người hành nghề bằng bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền chỉ được khám, chữa bệnh bằng chính bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp gia truyền đó;
  • Trong trường hợp có sản xuất một số dạng đóng gói sẵn để phục vụ trực tiếp cho người bệnh của phòng chẩn trị (cao, đơn, hoàn, tán hoặc các dạng khác) thì phải đăng ký với Sở Y tế tỉnh về công thức bài thuốc, quy trình sản xuất (kèm theo bản giải trình về cơ sở vật chất, thiết bị), công dụng, liều dùng, chống chỉ định và mẫu nhãn thuốc. Sở Y tế tỉnh sẽ xem xét thẩm định và công nhận đủ điều kiện thì mới được sản xuất. Thuốc chỉ để phục vụ trực tiếp cho người bệnh của phòng chẩn trị, không lưu hành trên thị trường theo đúng quy định của Luật Dược.

– Thứ năm, điều kiện về nhân sự: đây là điều kiện quan trọng nhất đối với bất kỳ phòng khám chuyên khoa nào, cụ thể:

  • Phòng chẩn trị y học cổ truyền phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Là lương y hoặc là người được cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc là người được cấp Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền.

– Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thể hiện bằng văn bản;

– Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

  • Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng chẩn trị y học cổ truyền thì các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cphòng khám phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;
  • Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám, việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

2. Những lưu ý về hồ sơ khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền

Như các bạn cũng đã biết khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền thì ngoài những giấy tờ cần phải nộp theo quy định của Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì các bạn cần phải nộp thêm những hồ sơ khác sau đây:

  • Hồ sơ của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật:

+ CMND, Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực);

+ Bằng cấp chuyên môn;

+ Giấy khám sức khỏe còn thời hạn trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND cấp xã nơi có hộ khẩu thường trú;

+ HĐLĐ với công ty;

+ Giấy xác nhận quá trình ít nhất 36 tháng kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian tham gia khám , chữa bệnh trực tiếp ít nhất 54 tháng;

+ Giấy tờ chứng minh chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

  • Hồ sơ chứng minh đủ điều kiện về môi trường gồm:

+ HĐ thu gom rác thải rắn;

  • Các bản cam kết như:

+ Cam kết đảm bảo đủ điều kiện về PCCC;

+ Cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường;

+ Cam kết về việc chưa hành nghề tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để đủ điều kiện là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật;

+ Cam kết đối với trường hợp không thể cung cấp lại được những giấy tờ chứng minh về quá trình thực hành để cấp CCHN.

  • Hồ sơ chứng minh địa điểm kinh doanh:

+ GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ HĐ thuê địa điểm nếu trong trường hợp thuê.

3. Những lưu ý về việc thẩm định cơ sở vật chất khi xin giấy phép phòng chẩn trị y học cổ truyền

Sau khi hồ sơ của bạn đã được tiếp nhận thì Sở Y tế thành phố Hà Nội sẽ tổ chức một buổi thẩm định thực tế cơ sở vật chất của bạn, tại buổi thẩm định này các bạn cần lưu ý:

  • Vệ sinh sạch sẽ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Lắp đặt và chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật đối với từng cơ sở phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Đối với những trang thiết bị mua hoặc nhập khẩu từ các đơn vị khác cần chuẩn bị: HĐ mua bán, Hóa đơn thanh toán và những giấy tờ khác liên quan để chứng minh về chất lượng của trang thiết bị.

Có thể bạn quan tâm:

>>> Xin giấy phép phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng mới nhất

>>> Tư vấn xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

>>> Tư vấn hồ sơ xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

>>> Những lưu ý khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

Trên đây là tất cả những lưu ý mà Luật Tiền Phong muốn chia sẻ cho các bạn trong quá trình thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động phòng chẩn trị y học cổ truyền. Nếu các bạn có mong muốn được Luật tiền Phong tư vấn cụ thể và chi tiết cũng hỗ trợ thực hiện hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 1900 6289 để được các Luật sư giới thiệu cụ thể hơn về dịch vụ.

====================  

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT Y TẾ – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 1900 6289

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Translate »

HOTLINE: 0916 16 26 18

HOTLINE: 098 1953 382