(Luật Tiền Phong) – Hiện nay có rất nhiều cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh muốn sử dụng người nước ngoài vào làm việc, tuy nhiên lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho người nước ngoài. Trong bài viết dưới đây, Luật Tiền Phong sẽ xác định cho các bạn điều đầu tiên và cần thiết nhất trong việc xin cấp chứng chỉ trên chính là xác định ai, cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh về thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề:
Điều 26. Thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề
1. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp sau đây:
a) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế;
b) Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
c) Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.
Theo đó, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam là Bộ Y tế , cụ thể là Bộ trưởng Bộ Y tế.
Do đó, khi cần xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài, bạn cần chuẩn bị hồ sơ và gửi tới Bộ Y tế (có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện).
- Phí cấp chứng chỉ hành nghề trong trường hợp này là 360.000 VNĐ
(Theo quy định tại Thông tư 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế)
- Thời hạn giải quyết:
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
– 180 ngày đối với trường hợp cần xác minh người được đào tạo ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp.
Một số lưu ý bạn cần quan tâm:
Để có thể được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì người nước ngoài cần thỏa mãn các điều kiện sau:
1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài
- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:
– Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
– Giấy chứng nhận là lương y;
– Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của Tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 23 của Luật khám bệnh, chữa bệnh
- Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động).
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài
- Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh.
- Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không có giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo thì phải có người phiên dịch để phiên dịch từ ngôn ngữ của người đó đăng ký sử dụng sang tiếng Việt.
- Trường hợp người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đăng ký sử dụng ngôn ngữ khác mà không phải là tiếng mẹ đẻ của người đó để khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó và phải có người phiên dịch để phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt.
- Đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ để khám bệnh, chữa bệnh:
– Giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 109/2016/NĐ-CP để khám bệnh, chữa bệnh;
– Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định 109/2016/NĐ-CP và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc;
3. Yêu cầu về xác nhận quá trình thực hành :Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
- 18 tháng thực hành tại bệnh viện, việc nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ
- 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
- 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên.
- 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
Trên đây là tư vấn của Luật Tiền Phong về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài. Nếu có bất kỳ vướng mắc hoặc cần tư vấn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề, vui lòng liên hệ với Luật Tiền Phong qua tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6289.
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Hồ sơ chuẩn bị xin cấp chứng chỉ hành nghề y – khám chữa bệnh người nước ngoài tại Việt Nam.
>>>>> Bằng cấp được cấp chứng chỉ hành nghề y – khám chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài
>>>>> Thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề y đối với người nước ngoài
============
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG
Hotline: 1900 6289
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Phòng 25B1, Toà nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội