Những lưu ý khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

Những lưu ý khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

(Luật Tiền Phong) – Bằng thực tế đã hỗ trợ thành công cho rất nhiều khách hàng thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa, trong bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm và những lưu ý khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa rất quý báu khi thực hiện thủ tục này để các bạn nắm rõ hơn và có thể khắc phục nếu có vướng mắc xảy ra, mời các bạn đón đọc.

Những lưu ý khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa
Những lưu ý khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

1. Lưu ý về điều kiện khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

Hoạt động trong lĩnh vực y tế đối với các cơ sở phòng khám chuyên khoa là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế, vì vậy để xin được giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa các bạn cần đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm:

  • Điều kiện về tư cách chủ thể;
  • Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị;
  • Điều kiện về nhân sự (đây điều kiện quan trọng nhất).

Cụ thể như sau:

– Thứ nhất, điều kiện về tư cách chủ thể:

  • Trước hết tùy thuộc vào quy mô kinh doanh của phòng khám chuyên khoa mà bạn phải thực hiện thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập công ty trong đó có ngành nghề kinh doanh liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh.
  • Nếu quy mô vừa và nhỏ, các bạn chỉ nên thành lập hộ kinh doanh cá thể để được đơn giản hóa về mặt thủ tục cũng như giảm bớt những khoản thuế mà các bạn phải đóng (các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để có được những thông tin chi tiết về thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể).
  • Nếu với quy mô lớn hơn, các bạn nên thành lập doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc phát triển cũng như tìm kiếm đối tác sau này (đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi).

– Thứ hai, điều kiện về cơ sở vật chất:

  • Phải có địa điểm cố định, để chứng minh về địa điểm cố định các bạn phải có bộ hồ sơ cụ thể như sau: Trường hợp là địa điểm thuộc quyền sử dụng của mình phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp để chứng minh, nếu trường hợp thuê hoặc mượn địa điểm thì phải có Hợp đồng thuê/ mượn địa điểm với chủ sử dụng đất hợp pháp và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ nếu trong quá trình hoạt động có thực hiện các thủ thuật liên quan đến bức xạ, điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật (các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn về điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với phòng khám chuyên khoa);
  • Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;
  • Trường hợp phòng khám chuyên khoa thực hiện cả hai kỹ thuật nội soi tiêu hóa trên và nội soi tiêu hóa dưới thì phải có 02 phòng riêng biệt;
  • Trường hợp khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa.
  • Có thùng rác y tế đạt chuẩn theo quy định của pháp luật;
  • Có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định và được Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt địa điểm phòng khám nha khoa chấp thuận.

– Thứ ba, điều kiện về trang thiết bị y tế:

  • Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;
  • Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa;
  • Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế nêu trên nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký;
  • Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

– Thứ tư, điều kiện về nhân sự: đây là điều kiện quan trọng nhất đối với bất kỳ phòng khám chuyên khoa nào, cụ thể:

  • Mỗi phòng khám chuyên khoa phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

– Đối với mỗi phòng khám chuyên khoa khác nhau thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng các điều kiện tương ứng như sau:

+ Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng: Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng;

+ Phòng khám, điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy: Là bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa tâm thần hoặc bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền có chứng chỉ đào tạo về hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng phương pháp y học cổ truyền;

+ Phòng khám, điều trị HIV/AIDS: Là bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc bác sỹ đa khoa và có giấy chứng nhận đã đào tạo, tập huấn về điều trị HlV/AIDS;

+ Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền: Là bác sỹ hoặc y sỹ chuyên khoa y học cổ truyền;

+ Phòng chẩn trị y học cổ truyền: Là lương y hoặc là người được cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc là người được cấp Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền;

+ Phòng khám dinh dưỡng: Là bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sỹ y học dự phòng và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa dinh dưỡng hoặc cử nhân chuyên ngành dinh dưỡng hoặc bác sỹ y học cổ truyền và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa dinh dưỡng hoặc cử nhân y khoa và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa dinh dưỡng hoặc y sỹ và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa dinh dưỡng;

+ Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: Là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ;

+ Phòng khám chuyên khoa nam học: Là bác sỹ chuyên khoa nam học hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa nam học;

+ Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp: Là bác sỹ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp có chứng chỉ hành nghề hoặc bác sỹ đa khoa có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ đào tạo về bệnh nghề nghiệp;

+ Phòng xét nghiệm: Là bác sỹ hoặc kỹ thuật viên chuyên ngành xét nghiệm, trình độ đại học trở lên có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa xét nghiệm hoặc cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học đối với người đã được tuyển dụng làm chuyên ngành xét nghiệm trước ngày Nghị định này có hiệu lực và được cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa xét nghiệm với chức danh là kỹ thuật viên;

+ Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang: Là bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc cử nhân X-Quang trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ hành nghề;

– Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thể hiện bằng văn bản;

– Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

  • Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thì các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh , chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản;
  • Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp phòng khám không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;
  • Cử nhân X-Quang có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp phòng khám không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X-Quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;
  • Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

2. Lưu ý đối với bộ hồ sơ khi xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

Hiện nay theo quy định của pháp luật thì bộ hồ sơ các bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
  • GCN đăng ký hộ kinh doanh hoặc GCN đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
  • CCHN của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật; người phụ trách bộ phận chuyên môn (nếu có);
  • Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở;
  • Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn;

Nhưng trên thực tế hồ sơ mà phải nộp không phải chỉ bao gồm những tài liệu trên mà có phải nộp những giấy tờ như sau để đảm bảo sự kiểm tra gắt gao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

  • Hồ sơ chứng minh đủ điều kiện về môi trường gồm:

+ Hợp đồng thu gom rác thải rắn;

+ Đối với những cơ sở khám, chữa bệnh có sử dung hệ thống nước trong quá trình hoạt động cần cung cấp thêm Đề án bảo về môi trường có xác nhận của cơ quan bảo vệ môi trường có thẩm quyền tùy vào quy mô của cơ sở (thường là Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh).

  • Đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật mà CCHN do Sở Y tế cấp tỉnh của các tỉnh khác cấp thì cần nộp bổ sung thêm:

+ Bảng chấm công thực hành;

+ Hóa đơn đóng tiền thực hành;

+ Quyết định phân công người hướng dẫn thực hành;

+ Hợp đồng thực hành.

Bởi vì Sở Y tế nới cấp giấy phép hoạt động không phải là cơ quan cấp CCHN nên sẽ không có bộ hồ sơ lưu của bạn và trong trường hợp này họ cần phải xác minh thông tin.

Nếu bạn không thể cung cấp được những giấy tờ nêu trên thì một đề xuất dành cho bạn đó là bạn sẽ soạn một Đơn xin xác nhận gửi về Bệnh viện nơi trước đây đã từng thực hành để được Bệnh viện xác nhận vào trong đơn.

  • Các bản cam kết như:

+ Cam kết đảm bảo đủ điều kiện về PCCC;

+ Cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường;

+ Cam kết về việc chưa hành nghề tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để đủ điều kiện là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật;

+ Cam kết đối với trường hợp không thể cung cấp lại được những giấy tờ chứng minh về quá trình thực hành để cấp CCHN.

  • Hồ sơ chứng minh địa điểm kinh doanh:

+ GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ HĐ thuê địa điểm nếu trong trường hợp thuê.

3. Lưu ý trong quá trình thẩm định cơ sở vật chất thực tế

Sau khi hồ sơ của bạn đã được tiếp nhận thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức một buổi thẩm định thực tế cơ sở vật chất của bạn, tại buổi thẩm định này các bạn cần lưu ý:

  • Vệ sinh sạch sẽ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Lắp đặt và chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật đối với từng cơ sở phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Đối với những trang thiết bị mua hoặc nhập khẩu từ các đơn vị khác cần chuẩn bị: Hợp đồng mua bán, Hóa đơn thanh toán và những giấy tờ khác liên quan để chứng minh về chất lượng của trang thiết bị.

Có thể bạn quan tâm:

>>> Tư vấn hồ sơ xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

>>> Thủ tục thành lập phòng khám chuyên khoa nội

>>> Tư vấn xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa

Trên đây là tất cả những lưu ý mà Luật Tiền Phong muốn chia sẻ cho các bạn trong quá trình thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa. Nếu các bạn có mong muốn được Luật tiền Phong tư vấn cụ thể và chi tiết cũng hỗ trợ thực hiện hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 1900 6289 để được các Luật sư giới thiệu cụ thể hơn về dịch vụ.

====================  

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT Y TẾ – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 1900 6289

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

 

 

 

 

Translate »

HOTLINE: 0916 16 26 18

HOTLINE: 098 1953 382